Thanh toán trực tuyến sẽ thúc đẩy thương mại điện tử

26/02/2010

Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán đang kỳ vọng mở rộng kênh kết nối giữa người dùng – doanh nghiệp và các tổ chức tài chính đế tìm kiếm cơ hội kinh doanh và thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh hơn so với thực tế hiện nay. Nhiều ý kiến được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp thanh toán trực tuyến” do Sở Công thương TPHCM và Thời báo Vi tính Sài Gòn tổ chức sáng 20-1. 

Theo ông Hà Ngọc Sơn, Phó phòng kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TPHCM, số liệu khảo sát do sở phối hợp với Cục Thống kê TPHCM thực hiện tại 8.754 doanh nghiệp (khoảng 5% số doanh nghiệp) trên địa bàn TPHCM trong năm 2009, cho thấy có đến hơn 91% doanh nghệp đã kết nối Internet và 70% doanh nghiệp có thực hiện giao dịch TMĐT. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng TMĐT còn khá thấp và chưa khai thác hết tiềm năng khi mà chỉ khoảng 31% doanh nghiệp có website riêng và chỉ khoảng 2,5% doanh nghiệp thực sự có đầu tư cho phát triển TMĐT.

Nguyên nhân của việc thiếu quan tâm đầu tư cho TMĐT được các doanh nghiệp phản hồi là do môi trường pháp lý chưa hoàn thiện (68%); hạ tầng kỹ thuật chưa an toàn để họ yên tâm đầu tư (67%); trong khi đó tập quán mua bán trực tiếp vẫn còn phổ biến (66%) và nhận thức về TMĐT của người dân chưa cao (64%).

Cũng theo cuộc khảo sát này, 91% hộ gia đình tại TPHCM có kết nối Internet là một môi trường lý tưởng cho TMĐT dễ dàng phổ biến. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 11% gia đình có mua bán hàng hóa và dịch vụ qua mạng, chủ yếu là các mặt hàng điện tử viễn thông, sách – văn phòng phẩm – quà tặng; hàng tiêu dùng, vé máy bay…

Đối tượng tiêu dùng gia đình cho rằng do họ không tin tưởng vào chất lượng hàng hóa dịch vụ được giao dịch qua mạng.; đặc biệt, 33% cho biết không an tâm khi sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến để mua hàng, và cũng có đến 17% người dùng cho biết họ không biết cách mua hàng trực tuyến. Trong khi có đến 78% người dùng vẫn sử dụng phương thức thanh toán bằng tiền mặt khi mua hàng, điều này chính là rào cản lớn nhất để TMĐT trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng. Theo ông Sơn, họ là khách hàng mục tiêu của bất cứ công cụ kinh doanh nào, chính vì vậy thị trường TMĐT đang cần những mô hình thanh toán trực tuyến làm vai trò trung gian kết nối người dùng với các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.

Vai trò của nhà kết nối

Theo ông Nguyễn Hoà Bình, Tổng giám đốc liên doanh Chợ Điện Tử – eBay, đại diện của cổng thanh toán www.nganluong.vn, trong hai năm qua khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì cũng là lúc ngành TMĐT phát triển nhanh. Theo số liệu của IDC, giá trị giao dịch TMĐT tại Việt Nam trong năm 2009 đạt khoảng 100 triệu đô-la Mỹ; con số này còn khá khiêm tốn, tuy nhiên mức độ bứt phá khá nhanh với mức tăng trưởng đạt trên 100% mỗi năm.

Sở dĩ có được kết quả trên là nhờ sự tham gia sâu rộng hơn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào các sàn TMĐT khi mà môi trường kinh doanh thực tế gặp phải sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trong khi các doanh nghiệp lớn còn phải dành thời gian cho các hoạt động kinh doanh trực tiếp và vận hành riêng mạng lưới của mình thì các doanh nghiệp nhỏ, vốn yếu hơn về tài chính đã tham gia mạnh hơn vào các sàn giao dịch trực tuyến. Đây cũng sẽ là xu thế của TMĐT trong giai đoạn tới và các nhà cung cấp dịch vụ đang hướng tới các công cụ thanh toán tiện lợi và an toàn hơn để thu hút người tiêu dùng tham gia vào mạng lưới của mình.

Hiện tại, theo ông Bình, thói quen giao dịch trực tiếp làm cho TMĐT kém phát triển; trong đó còn có nguyên nhân chi phối vì họ cảm thấy giao dịch trực tuyến đầy rủi ro và dễ bị lừa đảo. “Chìa khoá của TMĐT là thanh toán trực tuyến, ở đó người mua cần sự nhanh chóng, thanh toán tiện lợi và rộng khắp với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp với dải sản phẩm rộng cùng các tổ chức tài chính, ngân hàng. Trong khi người bán hàng cần cộng đồng người mua càng lớn càng mang lại doanh thu cao. Các cổng thanh toán trực tuyến sẽ giải quyết những khó khăn của thị trường TMĐT hiện nay và thúc đẩy mở rộng kích cỡ của thị trường để thay cho vai trò của các ngân hàng”, ông Bình nói.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phương, Trưởng bộ phận phát triển đối tác của Ngân hàng Đông Á, cho biết việc kết nối vào các cổng thanh toán trực tuyến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng trong việc gia tăng số lượng người dùng. Phương thức mở cửa cho các cổng kết nối vào hệ thống cũng giảm chi phí thay vì ngân hàng phải trực tiếp kết nối đến từng doanh nghiệp hoặc ngược lại. “Việc mở rộng hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ trung gian giúp chúng tôi đa dạng hóa các loại tài khoản khách hàng và mở rộng dịch vụ nhanh hơn”, bà Phương nói.

Theo ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, một trong những trọng tâm hoạt động trong năm 2010 là thúc đẩy TMĐT phát triển trên địa bàn TPHCM. Để làm được điều này, cần giải quyết những khúc mắc về điều kiện pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi sự năng động và sáng tạo của chính doanh nghiệp trong ứng dụng và kinh doanh thực tiễn, nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong các ý tưởng về tháo gỡ các trở ngại cho TMĐT.

Thách thức về bảo mật

Tuy nhiên, điều kiện về bảo mật sẽ là áp lực lớn đối với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán khi họ đóng vai trò bảo đảm lợi ích cho cả người mua và người bán.

Theo ông Nguyễn Hoàng Ly, Tổng giám đốc Công ty Cộng Đồng Việt (Vietunion) – đơn vị sở hữu cổng thanh toán www.payoo.com.vn – một lệnh giao dịch điện tử sẽ đi từ người mua – người bán – ngân hàng – cổng thanh toán. Bất cứ nơi nào trên chặng đường dài này đều có thể gặp phải rủi ro. Vì thế, cơ sở an toàn phải đi từ hệ thống hạ tầng, đường truyền cho đến các giải pháp quản lý cơ sở dữ liệu và bảo mật thông tin cho người dùng, bằng cách nào để không thất thoát thông tin của khách hàng.

Theo ông Ly, nhu cầu cơ bản về bảo mật của một giao dịch phải từ bảo đảm thông tin cá nhân; các công cụ đối soát giữa người mua và người bán nhằm ghi nhận các chứng cứ về giao dịch. Trong khi tính xác thực về bảo mật cũng giúp cho nhà cung cấp ghi nhận lệnh điện tử tương tự như việc “đặt bút ký” để mua bán trong thực tế; đồng thời  bảo đảm được nội dung giao dịch liệu có bị thay đổi trên suốt đường đi hay không. “Bản chất của thanh toán trung gian là đứng ra đảm bảo rủi ro cho doanh nghiệp và người dùng. Vì thế, cần một hạ tầng kỹ thuật vững chắc với các cơ sở quản lý rõ ràng. Việc bảo đảm an toàn không chỉ phòng chống tấn công từ bên ngoài mà còn bảo vệ dữ liệu ngay từ bên trong doanh nghiệp”, ông Ly nói.

Các cổng thanh toán ra đời làm trung gian thay cho các doanh nghiệp làm việc với các tổ chức tài chính cũng là mô hình chung của các cổng thanh toán quốc tế hiện nay. Chẳng hạn như Paypal là cổng thanh toán quốc tế được người dùng mặc định là địa chỉ tốt và có tính nhận biết cao trên toàn cầu, tạo sự an tâm cho người dùng. “Các cổng thanh toán trực tuyến của Việt Nam hiện cũng đang nỗ lực để tạo ra một địa chỉ an toàn và tiện lợi. Tuy nhiên, người dùng cần chú trọng an toàn cần được bảo đảm trước và tính tiện lợi sẽ đến dần dần sau đó”, theo ông Ly.  

 

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

 

 


Dành cho người bán


Dành cho người mua


Trụ sở chính (Tp.HCM)

35 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Tel: (84-28) 3911 7147
Fax: (84-28) 3911 7144
Website: https://sba.payoo.vn
Email: support@payoo.vn

Văn phòng đại diện (Hà Nội)

Tầng 6, Tòa nhà NeLumbo, 114 An Trạch, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội
Tel: (84-24) 3736 8629
Fax: (84-24) 3736 8628
Giấy phép số 275/GP-CBC do Bộ TT và TT, cấp ngày 27/06/2008
Giấy phép thanh toán trực tuyến số 27/GP-NHNN ngày 23/11/2015